Kể chuyện Làng: Con đường đất đỏ - Lối về đất mẹ
Con đường mà người dân quê tôi - làng Trạch Phổ (Phong Hòa, Phong Điền, Thừa Thiên Huế) vẫn hay gọi là đường "O Binh", có cái tên mộc mạc, chân chất như vậy bởi đầu đường là quán "mắm muối" (tạp hóa) của o Binh.
Nhớ những lần tôi chở mệ ra chợ trên chiếc xe đạp cũ của ông để lại, cứ tới đoạn lắm ổ gà là mệ lại một câu mà rằng: "Cho mệ xuống nghe cu, để mệ đi bộ qua mấy ổ gà ni đã", thế là tôi đạp tới tít xa đầu tê chờ mệ. Dáng người lòm khòm một nắng hai sương, trên tay xách nào là rau khoai, mướp ngọt, bầu bí… đi chậm những bước cẩn thận. Có những ngày tôi liều chở mệ băng qua, phải là tay lái "lụa" lắm mới đi hết đoạn đường ấy.
Đi đường đất đỏ cũng phải "tâm linh lắm", cứ chiều chiều đi học về chắc chắn sẽ gặp trâu nhà ai vừa tắm bùn ngang qua. Hên thì trơn tru, mà xui thì một cái nguẩy đuôi của bầy trâu cũng làm chiếc áo trắng đồng phục dính đầy đất bùn. Đúng là "không đánh mà đau".
Đường làng, những lần kẹt đường đến lạ thường. Là khi có đoàn đưa dâu đi ngang qua, dù đã bắt gặp nhiều lần, nhưng cứ thấy lộng lẫy, nhộn nhịp thì mỗi đứa trẻ chúng tôi lại hứng thú. Tôi cùng lũ bạn trèo tít lên cây ngô đồng mà ngó (từ ngữ địa phương của người Huế; có nghĩa là nhìn, xem). Cô dâu trong tà áo dài thật xinh, chú rể với chiếc khăn đóng thật đẹp làm đôi mắt hiếu kì cái đẹp như tôi say mê, đắm đuối. Phải chăng cái đói, cái nghèo làm con người ta thèm thuồng được ăn no mặc đẹp, ước ao nhà mình cũng có đám cưới như vậy, để đứa trẻ nghèo như tôi được mặc đồ mới, được ăn cỗ.
Thời tiết xứ Huế khắc nghiệt, "nắng nẻ trốt, mưa thối đất". Những ngày nắng tháng ba, thả đôi chân trần nghe mát rượi cả bàn chân, dưới tán cây ngô đồng to lớn bên đường đổ sang rợp bóng cả một khoảng đường, phe phẩy cái nón lá rách tưa của mạ, thật mát mẻ cho những ngày hè oi bức của vùng đất duyên hải. Nhưng tới mùa mưa lũ tháng 10, ổ gà thêm với bùn nhão nhẹt làm cho con đường càng khó đi. Bùn đất đỏ lầy lội, cái thứ mà đám trẻ con chúng tôi vẫn hay gọi vui là "bột lọc đỏ".
Đường làng đất đỏ - nơi in dấu chân lớn lên và trưởng thành của bao thế hệ, trong đó có tụi trẻ con làng quê chúng tôi, nơi gói ghém ký ức của những ngày cơ cực, đọng lại bao kỷ niệm những ngày xưa cũ. Chứng kiến bao thăng trầm của một vùng làng mạc, chứa đựng và thấu hiểu nếp sống của người dân trong làng.
Cứ chiều chiều rảnh rỗi, tôi vẫn giữ thói quen đạp dạo dưới hoàng hôn. Tôi lôi chiếc xe đạp giàn cũ, lớp sơn tróc đi gần hết và cả những mối hàn cũng đã rỉ rét in đậm màu thời gian. Đạp trên con đường đất đỏ ấy, hòa mình dưới ánh chiều làng quê, hít hà cái mùi quen thuộc. Đó có khi là mùi lúa mới nồng nàn, mùi rơm rạ ai vừa đốt, mùi cơm bếp củi nhà ai vừa thổi… Giằng xé trên những ổ gà với cái tiếng cót két của chiếc xe đạp cũ, tất cả thật gợi thương, gợi nhớ.
Tôi bắt gặp hình ảnh những o, những mệ đi chợ "hôm" (chợ họp vào buổi chiều) về, những chú nông dân vác cuốc về nhà sau một ngày đồng áng, hay những con trâu sau một ngày cày sâu cuốc bẫm… Và hơn hết, tôi bắt gặp hình ảnh đâu đó của tụi trẻ con chúng tôi ngày ấy. Tất cả vẫn vậy, lối nhỏ đất đỏ vẫn lót chân cho người dân làng quê, nhịp sống của người nông thôn vẫn chậm rãi, êm đềm. Thời đại đất nước đi lên "công nghiệp hóa, hiện đại hóa" và xây dựng "nông thôn mới", những đoạn đường đất đỏ sẽ sớm được "bê tông hóa" và làng quê đang dần thay áo mới. Nhưng có lẽ những mảnh ký ức thân thuộc, hình ảnh con đường đất đỏ vẫn sẽ mãi in sâu trong trái tim và tâm trí của những đứa trẻ đã lớn lên ở miền quê.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Không có nhận xét nào