Breaking News

Kể chuyện làng: Nhớ những mùa World Cup thời bao cấp

Cá nhân tôi mãi đến năm 1978 khi đang học đại học năm thứ ba mới biết World Cup qua vài mẩu tin trên báo Nhân dân. Còn World Cup 1982 ở Tây Ban Nha thì tôi chỉ nhớ mang máng hình ảnh một Maradona với mái tóc xù trên tranh biếm họa đăng ở trang cuối tờ báo này. Và đấy cũng là hình ảnh ấn tượng đầu tiên của tôi về một cầu thủ tham dự World Cup mà sau này đã trở thành siêu sao đắt giá nhất thế giới.

Kể chuyện làng: Nhớ những mùa World Cup thời bao cấp - Ảnh 1.

Cảnh xem bóng đá thời bao cấp. Ảnh: Internet

Mãi đến mùa World Cup 1986 ở Mexico, người hâm mộ bóng đá Việt, chí ít là ở xóm tôi lúc bấy giờ, mới được xem truyền hình trực tiếp World Cup trên màn ảnh nhỏ.

Phải nói là cả làng, cả xóm, cả cái khu tập thể của cơ quan háo hức, nô nức trông chờ đến giờ trái bóng lăn. Mà World Cup thì toàn diễn ra vào lúc nửa đêm về sáng bên trời Tây, thế mới khổ chứ. Có điều biết là “khổ” đấy nhưng ai nấy vẫn mong ngóng, đợi tới giờ bóng lăn lúc nửa đêm về sáng.

Với tôi, đó là những kỷ niệm đẹp trong đời về World Cup. Bây giờ, nhà nào cũng ti vi đời mới, công nghệ hiện đại, World Cup “ngự” trong mỗi nhà, vào tận phòng ngủ, vừa xem vừa ngáp. Buồn lắm!

Kể chuyện làng: Nhớ những mùa World Cup thời bao cấp - Ảnh 2.

Xem World Cup 2022 một mình một ti vi. Ảnh: Duy Xuân

Tuy thế, vẫn còn chỗ cho những ai cuồng nhiệt với môn thể thao vua mặc sức cùng nhau hò hét, đấy là những quán cà phê ăn theo trái bóng tròn. Nhưng mà điều đó không thú bằng cái cách xem World Cup của ba bốn chục năm về trước bởi cái không khí hừng hực tính cộng đồng.

Hồi ấy, cả làng, cả xã mới chỉ vài nhà có ti vi mà là cái ti vi đen trắng cũ kỹ, hàng “second-hand”, người Tây, người Nhật "thải ra" mấy ông đi tàu viễn dương mang về.

Tôi còn nhớ, vào mùa World Cup, dân nghiền ở các huyện xa chiều chiều đạp xe lên Buôn Ma Thuột ngủ nhờ nhà người quen, đợi đến 1 giờ 45 thứ dậy, mắt nhắm mắt mở xem bóng đá. Thế mà cũng có những chuyện cười ra nước mắt. Có người vừa giành được chỗ ngồi xong liền kéo một giấc ngon lành mặc xung quanh reo hò. Khi trận đấu kết thúc, bạn bè lay dậy giục về bỗng la toáng lên: Vào…! Rồi nhìn quanh ngơ ngác: Ơ, không ai xem nữa à?

Ti vi hồi ấy phổ biến là loại 14 inch. Khổ nỗi, vì là đời cũ đã qua sử dụng, sóng truyền hình lại kém nên vừa xem vừa vỗ mỗi khi mất hình. Mà màn hình thì ôi thôi, khi thì như ai rắc cát, khi thì như mưa nặng hạt. Trận đấu diễn ra, hình bóng cầu thủ cứ mờ mờ ảo ảo trên sân cỏ. Khổ nhất là khi hai đội ra sân đều mặc áo sẫm màu hoặc màu sáng, chẳng phân biệt nổi anh nào với anh nào. Sân bóng cứ nhoáng nhoáng trước mắt người hâm mộ.

Xem bóng đá tuy “khổ sở” như vậy nhưng được cái ai ai cũng háo hức. Nửa đêm đã nghe làng xóm rộn ràng. Chó sủa dồn dập. Tiếng người í ới gọi nhau, trời khô ráo còn đỡ, mưa gió nhếch nhác cũng bất chấp.

Kể chuyện làng: Nhớ những mùa World Cup thời bao cấp - Ảnh 3.

Cà phê mùa World Cup lúc nào cũng đông vui. Ảnh: Duy Xuân

Hàng chục con người, già trẻ, gái trai chen chúc trong phòng, len chặt cửa đi, đu cửa sổ, mắt hau háu không rời cái màn hình nhỏ bé nhoang nhoáng những cát là cát.

Vui nhất là khi cầu thủ sút bóng đi chệch khung thành, ai nấy tiếc hùi hụi y như đấy là đội bóng của xứ sở mình. Còn khi bàn thắng được ghi thì khỏi phải nói, tiếng reo dậy đất khiến cho những ai thờ ơ với World Cup nhất cũng phải giật mình tỉnh giấc.

Không khí World Cup cứ thế khiến cho đêm ở khu tập thể cơ quan, làng xóm hay phố phường suốt tháng trời không còn cái cảm giác yên tĩnh của ngày thường.

Bây giờ thì vẫn là World Cup đấy nhưng cái sôi nổi háo hức chia sẻ cảm xúc cho nhau của người hâm mộ thì phải đợi đến sáng hôm sau túm tụm bên ly cà phê hay chén trà trong nắng sớm.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Không có nhận xét nào