Breaking News

Khi được chạm tay vào ấn vàng “Hoàng Đế chi bảo”, chuyên gia Việt Nam đã phát hiện điều gì?

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" hiện đang rao bán là hiện vật nguyên gốc

Theo thông tin mà Dân Việt có được, cách đây mấy ngày, đoàn công tác liên ngành của Việt Nam do ông Hoàng Đạo Cương – Thứ trưởng Bộ VHTTDL đã lên đường sang Pháp để làm việc với Hãng đấu giá Millon (số 19 rue de la Grange -Bateliere Paris, Pháp) – nơi hiện đang lưu giữ và rao bán ấn vàng "Hoàng đế chi bảo". Chương trình làm việc có nhiều nội dung, trong đó nội dung quan trọng nhất là tiến hành nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và tính xác thực của ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", từ đó thống nhất việc chuyển giao ấn vàng cho phía Việt Nam để đưa bảo vật này về nước.

Khi được chạm tay vào ấn vàng “Hoàng Đế chi bảo”, chuyên gia Việt Nam đã phát hiện điều gì? - Ảnh 1.

Đoàn công tác Việt Nam do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương dẫn đầu và Chủ tịch Hãng đấu giá Million. Ảnh: CDS.

TS. Phạm Quốc Quân – thành viên Hội đồng giám định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quốc gia là người đã trực tiếp nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và tính xác thực của ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" lưu giữ tại Văn phòng Hãng đấu giá Millon.

Sau khi nghiên cứu và đối sánh tư liệu, có thể xác định ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" hiện đang rao bán tại Hãng đấu giá Millon là hiện vật nguyên gốc, chuẩn xác, được đúc vào năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) như ghi chép trong sử sách (Đại Nam thực lục, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ) và trong Biên bản, hình ảnh bàn giao ấn kiếm của chính quyền Thực dân Pháp cho Quốc trưởng Bảo Đại ngày 08/3/1952 hiện đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.

Khi được chạm tay vào ấn vàng “Hoàng Đế chi bảo”, chuyên gia Việt Nam đã phát hiện điều gì? - Ảnh 2.

TS. Phạm Quốc Quân và TS. Nguyễn Văn Đoàn là người đã trực tiếp nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và tính xác thực của ấn vàng "Hoàng đế chi bảo". Ảnh: CDS.

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" có nhiều nét tương đồng với 2 ấn vàng "Sắc mệnh chi bảo" và "Hoàng đế tôn thân chi bảo" hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Cả 3 ấn vàng đều được đúc bằng vàng 10 tuổi, chế tác theo cùng một mẫu thức với mặt ấn hình vuông, lưng giật 2 cấp, quai hình rồng uốn khúc, trán rồng khắc chữ Vương, chân rồng rõ 5 móng. Kích thước và trọng lượng của 3 ấn vàng cũng tương đương nhau. Đây là dạng thức ấn chưa từng xuất hiện ở các triều đại trước hay ở các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới.

Số phận 3 chiếc ấn vàng cùng đúc dưới thời Minh Mệnh

Theo thông tin từ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, khi lên ngôi, vua Minh Mệnh đã cho đúc một số ấn bằng vàng 10, tiếp tục hoàn thiện hệ thống ấn chương của vương triều Nguyễn. Đồng thời trong giai đoạn này ông đã đặt ra những quy định về việc chế tác và sử dụng ấn chương các loại nhằm đáp ứng công cuộc cải cách hành chính đồng bộ ở mọi lĩnh vực trên phạm vi cả nước. Năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) nhà vua cho đúc ấn vàng "Hoàng Đế chi bảo" và ấn vàng "Minh Mệnh thần hàn". Ấn vàng "Minh Mệnh thần hàn" hiện nay không vẫn lưu lạc, chưa tìm thấy; riêng ấn vàng "Hoàng Đế chi bảo" thì vừa tìm thấy ở Pháp.

Khi được chạm tay vào ấn vàng “Hoàng Đế chi bảo”, chuyên gia Việt Nam đã phát hiện điều gì? - Ảnh 3.

Ấn vàng "Sắc mệnh chi bảo". Ảnh: BTLSVN.

Năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), Bộ Lễ cùng Phủ Nội vụ, ty Vũ khố nhận chỉ dụ đúc 5 chiếc ấn bằng vàng 10 đó là: "Sắc mệnh chi bảo", "Hoàng Đế tôn thân chi bảo", "Khâm văn chi tỷ", "Duệ Vũ Chi Tỷ", "Trị lịch minh thời chi bảo". Tất cả đều được đúc vào tháng 10, năm Minh Mệnh thứ 8 năm 1827.

"Sắc mệnh chi bảo" có kích thước cao: 11cm, cạnh 14x14cm, dày mặt: 2,5cm, trọng lượng 8,3kg. Ấn đúc bằng chất liệu vàng 10 tuổi, tạo thành 2 cấp hình vuông, quai là tượng rồng ngồi, đầu vươn về phía trước, hai sừng dài, đuôi xòe 9 dải hình ngọn lửa, chân rồng 5 móng, trên lưng ấn khắc 2 dòng chữ Hán: Bên trái: Thập tuế kim trọng nhị bách nhị thập tam lượng lục tiền (vàng 10 tuổi, nặng 223 lạng 6 tiền). Bên phải: Minh Mệnh bát niên thập nguyệt cát nhật tạo (đúc vào ngày lành, tháng 10, năm Minh Mệnh thứ 8). Mặt ấn đúc nổi 4 chữ triện trong khung diềm Sắc mệnh chi bảo (bản dập). Theo sách "Minh Mạng chính yếu", Sắc mệnh chi bảo là bảo ấn bằng vàng lớn nhất triều Nguyễn.

Ấn vàng "Hoàng đế tôn thân chi bảo". Ảnh: BTLSVN.

Ấn vàng "Hoàng đế tôn thân chi bảo" có chức năng là dâng tiến tên hiệu, huy hiệu cho các hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn. Ấn cao 11,9cm; mặt ấn 13,6cmx13,7cmx13,6cmx 13,7cm, dày 1,9cm, trọng lượng 8,9kg. Ấn được đúc bằng vàng 10 tuổi, tạo thành 2 cấp hình vuông. Quai là tượng rồng uốn khúc, đầu vươn về phía trước, 2 sừng dài, đuôi xòe 9 dải hình ngọn lửa, chân rồng 5 móng. 

Trên lưng ấn khắc 2 dòng chữ Hán. Bên phải ghi: Minh Mệnh bát niên thập nguyệt cát nhật tạo (Đúc vào ngày lành tháng 10 năm Minh Mạng thứ 8, 1827). Bên trái ghi: Thập tuế kim, trọng nhị bách tam thập tứ lượng tứ tiền tam phân (Vàng 10 tuổi, nặng 234 lạng 4 tiền 3 phân). Mặt ấn đúc nổi 6 chữ Hoàng đế Tôn thân chi bảo. Ấn hiện có một số vết xước nhỏ, móp ở rìa mặt ấn; giữa mặt ấn có lỗ thủng nhỏ. 

Theo hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia, ấn nặng hơn 8,9kg. Đây được xem là ấn vàng có trọng lượng lớn nhất trong bộ sưu tập ấn triện bảo vật hoàng cung triều Nguyễn cũng như của các triều đại phong kiến Việt Nam hiện biết. 

Khi được chạm tay vào ấn vàng “Hoàng Đế chi bảo”, chuyên gia Việt Nam đã phát hiện điều gì? - Ảnh 5.
Khi được chạm tay vào ấn vàng “Hoàng Đế chi bảo”, chuyên gia Việt Nam đã phát hiện điều gì? - Ảnh 6.

Ấn vàng "Hoàng Đế chi bảo". Ảnh: CDS.

Ấn vàng "Hoàng Đế chi bảo" cao 10,4 cm, mặt hình vuông kích thước 13,8x13,7cm, nặng 10,78kg. Mặt trên của ấn khắc hai dòng chữ: Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo (Đúc vào giờ tốt ngày 4 tháng 2 âm lịch năm Minh Mạng thứ tư) và Thập thành hoàng kim, trọng nhị bách bát thập lạng, cửu tiền nhị phân (Gom thành vàng ròng, có trọng lượng 280 lạng, 9 tiền và 2 phân). 

Theo "Đại Nam thực lục" của Quốc Sử quán triều Nguyễn, ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" có nuốm (quai) hình rồng cuốn hai tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, bằng vàng mười tuổi, nặng 180 lạng (chính xác là 280 lạng) 9 đồng 2 phân. Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn vào dịp lễ khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, cùng với sắc thư ban cho nước ngoài…

Việt Nam đã phản ứng rất nhanh trước vụ ấn vàng "Hoàng Đế chi bảo"

Theo Bộ VHTTDL, trên cơ sở kết quả xác định được tính xác thực của ấn vàng, bên Hãng đấu giá Millon đã đồng ý chuyển giao ấn vàng "Hoàng Đế chi bảo" cho phía Việt Nam trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu giữa hai bên và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Cộng hòa Pháp. Cả hai bên đã thống nhất và tiến hành thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan để có thể hồi hương ấn vàng về Việt Nam sớm nhất.

Khi được chạm tay vào ấn vàng “Hoàng Đế chi bảo”, chuyên gia Việt Nam đã phát hiện điều gì? - Ảnh 7.

Cận cảnh hình tượng rồng trên ấn vàng "Hoàng Đế chi bảo". Ảnh: CDS.

Chia sẻ với Dân Việt, nhà nghiên cứu nghệ thuật Ngô Kim Khôi tại Pháp cho rằng, phản ứng của Việt Nam trong việc đàm phán với Hãng đấu giá Millon để tạm hoãn phiên đấu giá ấn vàng "Hoàng Đế chi bảo" hôm 31/10 và 10/11 là rất nhanh chóng, khéo léo. Sự việc này giúp cho Việt Nam có nhiều thời gian để tìm hiểu thông tin cũng như đưa ra các phương án. Chủ trương hồi hương ấn vàng "Hoàng Đế chi bảo" cũng là chủ trương sáng suốt, tránh việc chảy máu cổ vật - một trong những nội dung quan trọng của Công ước 1970 mà Việt Nam là thành viên.

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cũng tiết lộ, theo nguyên tắc của sàn đấu giá nghệ thuật, nếu hiện vật được đấu giá trực tiếp thì người muốn sở hữu (tức người mua) phải đưa ra một số tiền rất cao. Thường thì mức giá chốt sàn sẽ cao gấp nhiều lần so với mức giá khởi điểm. Còn nếu người muốn sở hữu muốn thương lượng trực tiếp với người bán thì hiện vật sẽ không mang ra đấu giá nữa nhưng nhà đấu giá vẫn đóng vai trò môi giới. Và vì thế, họ vẫn phải được hưởng % trên tổng mức giá được thương lượng thành công.

Cục Di sản văn hóa cho rằng, việc hồi hương được ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" trở về Việt Nam không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, "chảy máu" ra nước ngoài; khẳng định sự đúng đắn, tiên quyết của Đảng và Nhà nước ta về quan điểm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, nâng cao tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ trên trường quốc tế, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới mà còn là việc làm rất có ý nghĩa đảm bảo tính toàn vẹn của di sản văn hóa - một nội dung quan trọng mà UNESCO rất chú trọng trong bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời thể hiện vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế tại các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Không có nhận xét nào