Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng gửi gắm gì sau khi chính thức được suy tôn ngôi Pháp chủ GHPGVN?
Sáng nay (29/11), Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX đã cử hành nghi thức tấn phong giáo phẩm Hòa thượng, Ni trưởng, Thượng tọa, Ni sư. Theo đó, 268 Hòa thượng, 1102 Thượng tọa, 392 Ni trưởng, 1571 Ni sư đã được tấn phong tại đại hội. Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự khóa IX họp phiên thứ nhất cũng tiến hành suy cử các chức danh lãnh đạo và Ban Thường trực của hội đồng.
Đặc biệt, Đại hội đã cử hành nghi thức suy tôn Đức Pháp chủ đệ tứ Thích Trí Quảng. Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng sinh năm 1940 tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Hóc Môn, Gia Định (nay là huyện Củ Chi, TP. HCM). Năm lên 10 tuổi, ngài xuống tóc xuất gia với Đại lão Hòa thượng Thích Trí Đức (1909-1999) tại tổ đình Huê Nghiêm (Thủ Đức), được Hòa thượng Bổn sư cho thọ giới Sa-di tại tổ đình Linh Nguyên (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Năm 37 tuổi, Ngài được Đức Đệ nhị Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đặc cách tấn phong giáo phẩm Thượng tọa.
Tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ thứ V (2002), Ngài được suy cử đảm nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.Từ 2007 đến năm 2017, ngài được Trung ương Giáo hội suy cử kiêm nhiệm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương GHPGVN, trực tiếp tham gia chỉ đạo các kỳ Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam.
Tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (2017), ngài được suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tháng 12/2021, sau khi Đức đệ tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ viên tịch, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh họp phiên đặc biệt, đồng thanh suy cử Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đảm nhiệm ngôi vị Quyền Pháp chủ. Hội nghị kỳ 6 - Khóa VIII (31-12-2021) đã nhất tâm suy tôn Ngài lên ngôi vị Quyền Pháp chủ GHPGVN. Với việc suy tôn này, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng là lãnh đạo tối cao về Đạo pháp và Giới luật của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đệ tứ Pháp chủ Thích Trí Quảng đã ban đạo từ sau khi được suy tôn
Ngay sau khi được suy cử, tân Đệ tứ Pháp chủ Thích Trí Quảng đã ban đạo từ: "Năm 1951, Chư tôn đức, Trưởng lão của 9 hệ phái, từ miền Bắc đến miền Nam một lòng muốn thống nhất ngôi nhà chung của Phật giáo Việt Nam sau khi đất nước chúng ta thống nhất, độc lập. Lúc đó, Đại hội lần thứ I chỉ hơn 100 địa biểu tham dự nhưng các vị là những viên ngọc quý của Phật giáo Việt Nam chúng ta.
Đại hội lần đó, tôi được hân hạnh tham gia. Tôi nhìn thấy, chư tôn đức, trưởng lão cho đến tất cả các đại biểu nhìn nhau thân thương, hòa hợp, không phải trên khẩu hiểu mà thực trong lòng của mỗi người. Nhìn thấy nhau như một khối, một tổ chức, mỗi người chỉ có một người đó là Phật tâm. Nhờ nhân duyên thù thắng đó mà trải qua 8 nhiệm kỳ, hôm nay chúng ta mới thừa hưởng sự nghiệp của chư vị tiền nhân đó.
Từ đó đến nay, hàng hàng lớp lớp Tăng sỹ có học vị, từ Cử nhân đến Tiến sỹ được đào tạo, ra trường. Đây là ơn đức lớn mà khởi đầu do Đức Đệ nhất Pháp chủ đề xướng. Đến Đại hội lần thứ VIII thì đức Đệ tam Pháp chủ nhìn thấy sở học của Tăng già có nhưng đạo hạnh có phần khiếm khuyết, nặng phần lý luận, tranh chấp, hơn thua. Cho nên Ngài rất lo. Ngài gọi tôi tới ký thác. Tôi đã lớn tuổi, muốn làm nhiều việc nhưng không thể làm được. Mong các Hòa thượng cùng chưa tôn đức trong Hội đồng chứng minh cố gắng xây dựng Hội đồng Giám luật để chấn chỉnh đạo phong của Tăng, Ni. Nếu đạo phong, cốt cách mà khiếm khuyết thì làm tổn thương cho giáo hội cũng không ít.
Lãnh hội ý chỉ của Ngài mà tôi đã triệu tập Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh để thành lập Hội đồng Giám luật. Tôi nghĩ rằng, tôi đã làm việc theo ý chỉ của đức Đệ tam Pháp chủ nên Ngài đã yên tâm cao đăng Phật quốc.
Tôi nhớ lại lúc đó, Đức Pháp chủ Đệ nhất, Ngài tha thiết đào tạo tăng tài. Cái nhìn của ngài vô cùng sáng suốt, quan trọng và cũng phù hợp với lời dạy của tổ Khánh Hòa – người đầu tiên mở ra con đường chấn hưng Phật giáo chúng ta. Có chùa mà không có Tăng thì cũng coi như không có, có Tăng mà thất học thì lại càng nguy hiểm hơn nữa. Vì vậy ngài coi trọng vấn đề giáo dục Phật giáo để mở mang trí tuệ cho Tăng già. Nhờ đó mà được Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc bấy giờ cảm thông, cho phép mở trường đào tạo chư Tăng.
Cho nên hôm nay, đại hội chúng ta đặt lên trí tuệ và kỷ cương. Có trí tuệ mới có kỷ cương. Có trí tuệ chúng ta mới thấy cái gì đáng làm, đáng nói để tạo sự đoàn kết trong giáo hội. Từ đó, chúng ta mới xây dựng một cương lĩnh lãnh đạo từ trên xuống dưới. Mọi người chẳng những ở bên ngoài mà ở trong lòng cũng hòa hợp trong giáo pháp của đức Phật.
Cho nên, trí tuệ và kỷ cương quan trọng nhất, có hai thứ đó thì chúng ta mới phát triển bền vững được. Phát triển mạnh mà kỷ cương kém thì đó là điều nguy hiểm vô cùng. Cho nên tôi kỳ vọng Tăng, Ni và Phật tử trong đại hội này, mỗi người chúng ta cảm thấy trách nhiệm của mình, những việc đã làm tốt, sống tốt thì tiếp tục phát triển; những điều chưa tốt thì khắc phục, sửa chữa… để trở thành những nhân tố tốt trong giáo hội, trong xã hội".
Không có nhận xét nào