Breaking News

Quảng Trị đề nghị đổi tên di tích quốc gia giếng cổ Gio An

Ngày 11/5, UBND tỉnh Quảng Trị xác nhận, vừa đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đổi tên gọi di tích quốc gia "Hệ thống khai thác và xử lý nước (14 giếng cổ)" thành tên gọi "Hệ thống dẫn thủy cổ Gio An", thuộc xã Gio An, huyện Gio Linh.

Cần đổi tên di tích quốc gia giếng cổ Gio An - Ảnh 1.

Giếng cổ Gio An là hệ thống dẫn nước tự nhiên, không có hệ thống xử lý nước. Ảnh: Ngọc Vũ

Theo UBND tỉnh Quảng Trị, hệ thống các giếng cổ Gio An là những công trình dẫn thủy cổ, cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất; từng giếng đơn lẻ đều có giá trị khảo cổ, văn hóa nghệ thuật độc đáo do người Chăm sáng tạo và được người Việt tiếp thu giữ gìn cho đến ngày nay.

Với các giá trị về lịch sử - văn hóa đó, hệ thống giếng cổ ở xã Gio An được công nhận là di tích quốc gia với tên gọi: "Hệ thống khai thác và xử lý nước (14 giếng cổ) thuộc xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị tại Quyết định số 08/2001/QĐ-VHTT ngày 13/3/2001 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Ngày 23/9/2019, UBND tỉnh đã có tờ trình số 4344/TTr-UBND đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét cho phép lập hồ sơ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt "Hệ thống công trình khai thác nước cổ vùng Quảng Trị".

Ngày 17/7/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn số 2646/BVHTTDL-DSVH về việc chuẩn bị hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt tỉnh Quảng Trị.

Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu lập nhiệm vụ quy hoạch di tích quốc gia Hệ thống khai thác và xử lý nước (14 giếng cổ) ở Gio An và tiến tới xây dựng hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, thì nội hàm tên gọi "Hệ thống khai thác và xử lý nước (14 giếng cổ)" chưa phản ánh một cách đầy đủ tính chất, quy mô, ý nghĩa giá trị của di tích trên cả hai phương diện tính khoa học và thực tiễn.

Cần đổi tên di tích quốc gia giếng cổ Gio An - Ảnh 2.

Nguồn nước từ giếng cổ Gio An cung cấp cho cánh đồng, giúp người dân trồng được rau xà lách xoong (rau liệt) ngon, sạch nổi tiếng đó đây. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ông Lê Đình Hào – Trưởng phòng quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị lý giải, đến nay địa phương đã phát hiện nhiều hơn 14 giếng cổ tại xã Gio An. Vì vậy, nội hàm "14 giếng cổ" đã không phù hợp thực tiễn, quy mô, số lượng. Bên cạnh đó, nội hàm "xử lý nước" không phù hợp khoa học, bởi hệ thống giếng cổ Gio An không có hệ thống xử lý nước, mà đơn thuần chỉ là hệ thống dẫn nước từ trong lòng đất ra bên ngoài một cách tự nhiên.

Được biết, di tích quốc gia hệ thống giếng cổ Gio An nổi tiếng cả nước vì sự đặc biệt và lịch sử hàng ngàn năm tuổi đến nay nước vẫn ăm ắp, trong veo, mát lành. Từ nguồn nước quý này người dân xã Gio An đã trồng ra loại rau xà lách xoong (còn gọi là rau liệt) đặc sản trứ danh.

Giếng cổ hàng ngàn năm tuổi ở xã Gio An, huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị). Từ nguồn nước trong vắt, mát lành, người dân xã Gio An đã trồng rau xà lách xoong nổi tiếng, ăn được ngay tại ruộng. Clip: Ngọc Vũ.

Không có nhận xét nào