Ngỡ ngàng với 3 bức tranh nude trong triển lãm tranh sơn mài ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
"Dạo bước qua vùng đất của sơn mài" trưng bày và giới thiệu tranh của các họa sĩ, nhà nghiên cứu như: Tiến sĩ chuyên ngành sơn mài Triệu Khắc Tiến; nhà nghiên cứu văn hóa, họa sĩ Phan Cẩm Thượng; hoạ sĩ Lý Trực Sơn - nhà sáng lập nhóm "Sơn Ta"; các họa sĩ Nguyễn Thị Quế, Vũ Văn Trực, Nguyễn Xuân Lục… cùng rất nhiều họa sĩ đã tham gia triển lãm quốc tế và hoạt động sáng tác hàng chục năm trong lĩnh vực này.
Giám tuyển Vân Vi - nhà đồng sáng lập của The Muse Art space, đơn vị tổ chức triển lãm cho biết, khi mời các họa sĩ tham gia, họ đã cân nhắc rất kỹ các thế mạnh riêng của từng người trên sơn mài, để có thể góp phần tạo nên sự đa sắc màu của triển lãm.
"Những nghệ sĩ này đều đang khai phá sơn mài theo những cách riêng của bản thân. Họ tiếp cận sơn mài theo những quan điểm nghệ thuật riêng, thậm chí hoàn toàn trái ngược, kế thừa cổ truyền hoặc bác bỏ, để chất liệu dẫn dắt, làm chủ hoặc hội thoại, phải quy chuẩn hóa về mặt kỹ thuật rồi mới khai phá, hoặc là cứ khai phá rồi sẽ tìm tiếp...", giám tuyển Vân Vi nói.
Trong triển lãm lần này có bộ 3 tác phẩm tranh nude của tác giả Lý Trực Sơn gây chú ý với nhiều người. Bộ 3 tác phẩm được đặt tên là "Ngân hà", vẽ các thiếu nữ trong trạng thái nude 100% nhưng lại nằm nghiêng. Sự độc đáo và thú vị của 3 bức tranh sơn mài này đã khiến rất nhiều người chú ý. Theo nhiều người, sơn mài vốn rất ít khi làm về đề tài nude bởi đòi hỏi trình độ và kỹ thuật rất cao.
Lý Trực Sơn là một nhân tài sớm phát lộ khả năng hội họa từ năm 12 tuổi. 14 tuổi ông đã hoàn thiện kỹ năng hội họa hàn lâm, và sớm giao du với những danh họa như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái. Năm 20 tuổi ông được mời làm giáo viên tại chính trường học của mình là trường Cao đẳng mỹ thuật Việt Nam, và sau này được hiệu trưởng trường Đại học mỹ thuật Việt Nam đặc cách chọn vào một năm học bất kỳ của trường.
Ông từng đạt học bổng để học tại Ecole Superior Des Beaux Arts – Paris; nhưng khi đến Pháp ông quyết định không theo học với lý lẽ "tôi đã là một họa sỹ rồi, tại sao lại phải học như một học trò". Sau 9 năm hoạt động nghệ thuật ở châu Âu, thành công vang dội với triển lãm tại thành phố Lyon, ông Lý Trực Sơn quay lại Việt Nam vào năm 1998. Ông là người thành lập nhóm "Sơn ta" và được nhiều đồng nghiệp trong giới công nhận là hàng họa sỹ đứng đầu của nghệ thuật sơn mài đương thời.
30 bức tranh sơn mài phản ánh sự tiếp nối của mỹ thuật
Triệu Khắc Tiến (1977) – Tiến sỹ chuyên ngành về nghệ thuật sơn mài duy nhất tại Việt Nam vào thời điểm hiện tại. Ông bảo vệ tiến sỹ tại Đại học Mỹ thuật Tokyo (Geidai) - một trong hai trường tốt nhất tại Nhật về đào tạo Mỹ thuật. Triệu Khắc Tiến cũng mang năng khiếu được phát hiện từ rất sớm. 4 tuổi, tranh của ông đã được sưu tập bởi viện bảo tàng mỹ thuật Việt Nam. Ông đã nhiều lần đoạt huy chương vàng trong các cuộc thi về hội họa quốc tế. Hiện nay, ông là đại diện của Việt Nam trong hầu hết các hội thảo về sơn mài trong và ngoài nước. Toàn bộ những sáng tác của ông Tiến từ khi trở về nước là sử dụng chất liệu sơn ta truyền thống.
Phan Cẩm Thượng (1957) là họa sỹ, đồng thời cũng được công nhận là nhà văn hóa có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam trong vòng 20 năm vừa qua. Ông là tác giả của 18 cuốn sách nghiên cứu về văn hóa, nghệ thuật trong đó có những cuốn sách đã được đưa vào giảng dạy tại Đại học Văn hóa Hà Nội. Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng xuất hiện trong triển lãm "Dạo bước qua vùng đất của sơn mài" như một đại diện cho việc kế thừa lối sơn thếp cổ, đưa vào trong các sáng tác nghệ thuật trên sơn mài.
Nguyễn Quang Trung (1963) có 4 lần là Thủ khoa trong suốt các kỳ thi đầu vào và đầu ra của các trường Cao đẳng mỹ thuật Việt Nam và Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ông theo đuổi nghệ thuật trừu tượng trong vòng 20 năm vừa qua, một số sáng tác được lựa chọn trên chất liệu sơn mài.
Vũ Văn Tịch (1989) là một họa sỹ trẻ, kiên trì, học hỏi, phát triển mở rộng biên độ chất liệu trên sơn mài, đưa các thấu cảm cá nhân vào sáng tác. Tịch cho đến nay, có khoảng hơn 10 năm theo đuổi chất liệu sơn mài, thế nhưng đã đạt đến việc hoàn toàn làm chủ chất liệu.
Phạm Trà My (1983), một nữ họa sỹ ít xuất hiện trước công chúng. My vẽ thường bao gồm muôn vàn chi tiết, hình dấu dưới lớp lớp, được thể hiện tỷ mỷ, kỹ lưỡng; cũng là một lối vẽ mà sơn mài sẽ cộng hưởng sức mạnh cho nó. Nhìn vào tranh của My, ta thấy một thế giới tinh thần mơ mộng của riêng cô.
Nguyên Xuân Lục (1983) cũng là một họa sỹ trẻ đáng chú ý trong những người đang theo đuổi sơn mài. Xuất thân từ làng nghề khảm trai, Lục có nghề từ tấm bé. Hoàn thành chương trình học tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp là cái cớ để Lục có thể tiếp tục theo đuổi ấp ủ của mình. Cho đến nay Lục đã ra mắt các series tranh sơn mài Bụi, và Mơ về miền đất lạ… Mỗi series tranh đều là sự xoay chuyển mình trong sáng tác, tinh tế khai thác cái thế mạnh của ngôn ngữ sơn mài, đồng thời cởi mở với việc nhìn nhận cách sử dụng chất liệu sơn mài.
Một số tác phẩm khác trong triển lãm:
Không có nhận xét nào