Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông ra sách về văn hoá và chế độ mẫu hệ của người M’Nông
Quyền lực và gánh nặng của phụ nữ
Mới đây, tại TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) diễn ra sự kiện giới thiệu tác phẩm "Năo Rih Sjêng Bunoong" (Lịch sử Văn hóa M'nông) của tác giả Y Thịnh Bon Jôc Ju. Ông Y Thịnh là người M'nông, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông.
Sự kiện ra mắt sách của ông Y Thịnh đã thu hút được nhiều sự quan tâm, bởi đây là cuốn sách đầu tiên của một người con M'nông viết về dân tộc mình, trên cái nôi của văn hóa M'nông.
Chia sẻ lý do viết nên cuốn sách này, ông Y Thịnh chia sẻ, bản thân cũng là người M'nông, nên luôn khát khao tìm hiểu về cội nguồn dân tộc mình. Từ đó ông mong muốn giải đáp những căn nguyên khiến đồng bào mình còn nghèo đói, chậm phát triển hơn so với các dân tộc anh em khác.
"Mong muốn trên đã được tôi ấp ủ từ thời còn làm lãnh đạo. Tuy nhiên, do bận nhiều công việc nên khi về hưu, tôi mới có nhiều thời gian để đi thực tế nghiên cứu", ông Y Thịnh thông tin. Ông cũng cho hay, ông phải mất 4 năm cho hành trình đi tìm nguồn cội của người M'nông. Theo đó, ông đã tìm đến tất cả các bon, làng đồng bào dân tộc M'nông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Đồng thời, ông cũng đến nhiều vùng đất ở các tỉnh như: Đắk Lắk, Lâm Đồng, … và tìm đọc 50 cuốn sách về lịch sử người Việt… Cùng với đó là những am hiểu, kiến thức thực tế mà ông đã trải nghiệm trong những năm làm lãnh đạo từ cấp huyện lên tỉnh.
Sau một thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu, ông Y Thịnh cho biết đến nay rất nhiều người M'nông vẫn còn tư tưởng sùng bái đa thần (tôn thờ nhiều vị thần). Theo ông, tín ngưỡng đa thần có tác dụng gìn giữ trật tự xã hội trong thời kỳ nguyên thủy, khi chưa có Nhà nước, chưa có chữ viết. Đến nay, nhiều bà con vẫn duy trì, thậm chí lạm dụng đến mức mê tín mù quáng, gây ra tốn kém, lãng phí trên nhiều lĩnh vực.
Ông Y Thịnh dẫn chứng, có trường hợp bị bệnh nhưng không đi bệnh viện mà tin là do ma quỷ trách phạt. Họ chi rất nhiều tiền để sắm lễ vật, mời thầy cúng cúng tế, dâng lễ suốt nhiều ngày nhưng cuối cùng bệnh càng nặng rồi chết đi. Hay đến nay, vẫn còn trường hợp tổ chức lễ an táng cho người đã khuất quá rườm rà, có khi đến cả tuần, thậm chí, dù đã chôn cất xong nhưng gia đình vẫn mở tiệc ăn uống rất tốn kém.
Ông Y Thịnh nhận định, chính vì những hủ tục lạc hậu, mê tín, tin tưởng thần linh thái quá, mù quáng khiến nhiều người nghèo đi, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần cũng vì cúng bái. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho đời sống của M'nông chậm phát triển, đồng thời cản trở sự phát triển của xã hội. Mặt khác, làm cho con người không có sự sáng tạo, cố gắng.
Ngoài ra, ông Y Thịnh còn chỉ ra điểm hạn chế trong chế độ mẫu hệ mà bao đời nay bà con còn gìn giữ. Theo ông Y Thịnh, chế độ hôn nhân mẫu hệ là của sản phẩm xã hội nguyên thủy. Theo đó, người nữ là người biết sản xuất trước, còn người đàn ông đi tìm kiếm, săn bắt ở khắp nơi nên vai trò của người phụ nữ lúc đó rất quan trọng.
Đến nay, chế độ mẫu hệ đã lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp nữa. Bởi quan niệm này đã trở thành gánh nặng cho người phụ nữ và kìm hãm sự phát triển của người đàn ông. Vì người đàn ông vốn có bản năng tự nhiên, khỏe mạnh, sức lao động dẻo dai hơn phụ nữ rất nhiều. Do đó, theo ông cần cởi trói để giảm gánh nặng cho phụ nữ và để đàn ông phát huy được hết sức lực, trí tuệ của mình trong việc xây dựng gia đình, xã hội.
Cần từng bước thay đổi chế độ mẫu hệ
Để người M'nông phát triển, theo ông Y Thịnh, cần có một cuộc cách mạng thực sự, từ trong nhận thức của người dân đến những chính sách của Đảng, Nhà nước.
Đầu tiên, ông Y Thịnh cho rằng cần từng bước thay thế chế độ hôn nhân mẫu hệ. Từ đó, nhằm "cởi trói" gánh nặng cho người phụ nữ, đồng thời giải phóng và phát huy sức mạnh của nam giới nhưng vẫn đảm bảo sự bình đẳng.
Tiếp đến là xóa bỏ tư tưởng sùng bái đa thần, mê tín dị đoan, cúng theo quan niệm tạ ơn, "hối lộ" thần linh những tài sản, vật hiến tế có giá trị lớn với hy vọng được các thần che chở, cúng cầu xin ma quỷ không quậy phá. Bởi những thứ cúng bái đó vô cùng tốn kém và vô nghĩa.
Thông qua cuốn sách, ông mong muốn mọi người sẽ có cách nhìn mới, khách quan hơn về người M'nông. Từ đó, có những phương pháp giúp đỡ người M'nông từng bước phát triển về mọi mặt và đồng hành với cả nước trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Ông hy vọng, cuốn sách "Năo Rih Sjêng Bunoong" sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho các nhà nghiên cứu khoa học, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, nhà giáo, văn học nghệ thuật, học sinh sinh viên và những người có quan tâm về người M'nông và lịch sử văn hóa Việt Nam.
Ông Y Thịnh Bon Jôc Ju (SN 1953), trình độ chuyên môn cử nhân Luật, cao cấp lý luận chính trị. Ông từng tham gia cách mạng, làm giao liên chống đế quốc Mỹ 1965, ra tập kết miền Bắc XHCN năm 1970; nhân viên cơ yếu Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk từ năm 1978-1982; Giám đốc trường Đảng, giáo viên chính trị huyện Đắk Mil (hiện nay thuộc tỉnh Đắk Nông) từ năm 1982-1987; Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) năm 1988-1995; Chủ tịch UBND huyện Krông Nô từ năm 1996-2003; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông năm 2004-2011. Từ tháng 6/2011 đến nay, ông về hưu và hoạt động nghiên cứu lịch sử, văn hóa M'nông.
Không có nhận xét nào