Breaking News

NSND Lê Khanh: "Tôi hèn lắm"

Vấp ngã là cần thiết

Mời NSND Lê Khanh đóng phim có khó không?

- Không khó, miễn là có yếu tố hấp dẫn hoặc một vai tôi chưa từng trải nghiệm, đạo diễn có ý tưởng, cách kể chuyện mới. Ngoài ra còn là chữ duyên.

Bộ phim Fanti có số phận long đong trước khi ra rạp, lại là bộ phim của một đạo diễn mới, trẻ, vì sao NSND Lê Khanh vẫn tham gia?

- Trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của tôi chưa có trải nghiệm nào êm ái như đi trên thảm hoa hồng. Cái gì cũng phải thử thách, nhiều khó khăn. Khi vượt qua được mới thực sự mĩ mãn, chính là vượt qua bản thân.

Với Fanti, để có kết quả ngày hôm nay, được ra rạp thì cảm giác như vỡ òa. Người trong cuộc cần có sự chung thủy tuyệt đối. Khởi đầu là duyên, sau đó là sự thấu hiểu.

Nhiều năm làm nghề tôi hiểu cơ hội biến ước mơ thành hiện thực không phải lúc nào cũng đơn giản. Tôi xúc động và trân quý khi chứng kiến ước mơ thành hiện thực của đạo diễn Andy Nguyễn. Anh là người hoài bão, lý tưởng và khát vọng kể câu chuyện đầu tiên của mình trong sự nghiệp điện ảnh.

Fanti trải qua nhiều chặng đường với những cung bậc và thử thách khác nhau. Mọi thứ không suôn sẻ như dự kiến ban đầu, những tình huống ngẫu nhiên xảy ra. Tôi tự nhủ mình giống như một mắt xích trong dự án, dù nhỏ nhưng nếu kiên định, chung thủy đến cùng thì sẽ mang lại kết quả.

NSND Lê Khanh: "Tôi hèn lắm" - Ảnh 2.

"Sau ánh quang là sự trải nghiệm. Chúng ta có thể vấp ngã rồi đứng lên. Vấp ngã cũng đem lại giá trị và cần thiết bởi nó làm cho chúng ta lớn lên, nghị lực hơn", NSND Lê Khanh chia sẻ.

Trải qua nhiều khó khăn, thử thách như vậy, chị nghiệm ra điều gì?

- Tôi cho rằng khi đã yêu một điều gì đó hãy yêu hết lòng và tình yêu sẽ được đền đáp. Tình yêu có giá trị khi nó trải qua thử thách và lòng chung thủy. Tôi hay lấy khái niệm tình yêu ra để chia sẻ, nói chuyện hoặc nhận định những điều diễn ra trong cuộc sống.

NSND Lê Khanh vào vai người mẹ cấm cản con gái tham gia showbiz. Từ phim tới đời thực, chị nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Theo tôi, showbiz có hai thái cực. Một là nó có nhiều giá trị về sự vinh quang. Sau khi tất cả mọi thứ đã tan biến hay mất đi thì văn hóa là cái còn lại. Sự kỳ diệu, thiêng liêng, cao cả của những người làm văn hóa chính là giá trị để lại. Tôi không nhìn thấy những tiêu cực.

Tuy nhiên, giống như đời sống, mọi thứ đều có mặt trái của nó và câu chuyện trong Fanti đã trả lời câu hỏi này. Chúng ta hãy tìm con đường tới nghệ thuật bằng tình yêu, niềm đam mê trong trẻo, vô tư, nhiệt huyết chứ không phải đi tắt đón đầu để tạo hiệu ứng tức thì.

Sau ánh quang là sự trải nghiệm. Chúng ta có thể vấp ngã rồi đứng lên. Vấp ngã cũng đem lại giá trị và cần thiết bởi nó làm cho chúng ta lớn lên, nghị lực hơn.

NSND Lê Khanh: "Tôi hèn lắm" - Ảnh 4.

"Gia tài tôi để lại cho các con là chữ thiện"

Đâu là bài học chị trân quý nhất và mang lại trải nghiệm có tính bước ngoặt trong cuộc sống của chị?

- Tình cờ khi những trăn trở của tôi giống với câu chuyện ở Fanti. Tôi lo sợ cái cách mà thế hệ con cháu đạt mục tiêu bằng mọi giá. Dù có lo sợ thì điều ấy cũng xảy ra. Giữa cha mẹ và con cái luôn có khoảng cách thế hệ. Tình yêu ấy là hiển nhiên nhưng lại đầy mâu thuẫn. Người lớn thường dùng những kinh nghiệm, vấp ngã của mình để hoàn thiện các con. Nhưng làm sao các con có thể hiểu được khi chúng chưa ngã. Tại sao cha mẹ đưa ra những hố sâu trước mặt, mặc dù con đường chúng đi lại thênh thang.

Từ nhỏ, tôi sống trong gia đình rất nhiều thế hệ làm nghệ thuật. Tôi thấu hiểu sự chông chênh, truân chuyên của những người một đời theo nghệ thuật. Từ trong sâu thẳm, tôi ý thức để tránh những điều đó. Tôi tự thấy mình già trước tuổi. Tôi tự hỏi mình phải làm thế nào để vừa làm nghệ thuật vừa cuộc sống bình an ở đời thực.

Nghệ sĩ phải được bình an, vô tư thì mới có sự khách quan, bình an, vô tư đó để làm nghệ thuật. Tôi chọn con đường an toàn nhất. Bằng chứng là đến ngày hôm nay, tôi vẫn cố gắng để cân bằng gia đình và hoạt động nghệ thuật.

Trở lại câu chuyện trong phim Fanti, người con gái chọn bước chân vào showbiz bằng mọi giá. Người mẹ cố gắng bảo vệ con và đó là một thông điệp. Dù cha mẹ che chắn tới mức nào cũng không lường hết những gì có thể xảy ra. Tuy nhiên, họ không bao giờ bỏ rơi con mình và cùng đứng lên nơi con ngã xuống.

Với các con mình, chị có bao giờ ngăn cản hay cấm đoán?

- Ngày nay, những người làm cha, làm mẹ hay nhắn nhủ nhau cố gắng làm bạn với con. Đó là niềm mong ước nhưng có làm bạn được với con hay không hoàn toàn là nghệ thuật. Tôi đang cố gắng và tôi tin rằng mỗi một ngày sẽ thiết lập bạn bè với con thông qua những buổi cà phê và nói chuyện.

Mình phải là người bắt đầu và đôi khi người lớn cũng cần cho con biết những điểm yếu và trở ngại của mình chứ không phải bố mẹ lúc nào cũng thắng hay luôn đúng. Bố mẹ cũng có lúc yếu đuối.

Hiện tại, tôi rất hạnh phúc. Hạnh phúc khi mình được bé nhỏ lại với con. Có những chuyện các bạn ấy giải quyết một cách nhanh gọn. Về kiến thức thời đại hay công nghệ thì các con hơn hẳn.

Ngày xưa mình dắt tay con đúng rồi, buông tay mình ra thì là con mình sẽ lạc, sẽ không ngủ này, sẽ không ăn này, không nên học này, không an toàn khi về nhà. Còn bây giờ ngược lại, nếu như buông tay con thì tôi lạc. Tôi không hiểu gì về thời đại. Đó là sự hoán vị và chính là giá trị của sự bù đắp. Mình sinh, nuôi, dưỡng con và giờ mình được thừa hưởng.

NSND Lê Khanh: "Tôi hèn lắm" - Ảnh 6.

Chị đã dạy con thế nào?

- Gần đây, tôi tìm ra được một câu, cũng giản dị thôi. Thực ra, cái gì giản dị mới dễ nhớ. Tôi chỉ nói với các con rằng mẹ không phải là nhà kinh tế, cả đời mẹ chỉ làm nghệ thuật và đúc kết ra một câu gửi tới các con: Trên đời này, sống là người tử tế sướng lắm!

Tôi rất tin vào cái thiện của con người. Nếu cái thiện không bộc lộ hoặc đối nghịch với cái thiện do hoàn cảnh, môi trường sống thì làm cách nào để khơi gợi lại tính thiện.

Tôi may mắn khi được hóa thân vào nhiều nhân vật. Thông qua nhân vật để gửi gắm thông điệp, nhắc nhở về tính thiện. Từ đó, chúng ta cảm thông, vị tha để quay trở lại giá trị ban đầu. Tôi chẳng có gia tài nào để lại cho các con ngoài chữ thiện. Tôi tin một ngày nào đó các con sẽ hiểu thấu.

NSND Lê Khanh: "Tôi hèn lắm" - Ảnh 8.

NSND Lê Khanh bộc bạch mỗi khi nhận câu hỏi suy nghĩ về ý kiến trái chiều, chị không biết cách trả lời nào khác hơn ngoài câu: "Tôi xin lỗi và tôi sẽ cố gắng hơn".

Tôi hèn lắm!

Vì sao chị không muốn con theo đuổi nghệ thuật?

- Tôi muốn chứ nhưng con phải hội tụ được tất cả những yếu tố cần thiết. Tôi hay nói với mọi người rằng nếu chưa chứng minh được mình tài năng thì cần chứng minh được mình có sức khỏe để theo đuổi dự án nghệ thuật. Môi trường nghệ thuật rất vất vả, làm việc thâu đêm suốt sáng, nay đây mai đó. Ngoài ra còn áp lực phải thành công khi hóa thân vào nhân vật…

Bên cạnh đó, áp lực dư luận, đúng và chưa đúng, hiểu và chưa hiểu. Người nghệ sĩ cần bản lĩnh và sự bình tĩnh. Suy cho cùng, dư luận xuất phát từ tình yêu. Họ yêu nghệ sĩ mới quan tâm, có yêu tác phẩm mới xem để bình luận. Khán giả luôn đúng. Đúng với những gì khán giả tiếp thu. Chúng ta không thể thanh minh khi phim đã đóng máy hay khi màn nhung khép lại. Chỉ là rút kinh nghiệm ở những vai diễn sau.

Khi đã đam mê và lựa chọn lĩnh vực nghệ thuật thì cuộc đời không còn là của riêng mình. Chúng ta phải chấp nhận và mỗi ngày hoàn thiện bản thân để không phụ lòng khán giả.

Khen là vui nhưng khen không đúng cũng là cái bẫy khiến ta chủ quan, ảo tưởng. Thuốc đắng giã tật, rất nhanh, có thể làm cho ta khó nuốt, ói ra nhưng chắc chắn sẽ ám ảnh khiến ta phải suy nghĩ. Lời chê có tác động rất mạnh khiến người nghệ sĩ tỉnh táo hơn, rút kinh nghiệm.

Nghệ sĩ có được quyền nói nghệ sĩ cũng là con người…?

- Nghệ sĩ cũng là con người đấy! Như tôi đã nói, tất cả đều xuất phát từ tình yêu. Khi đã yêu, ai cũng muốn người yêu đẹp theo cách mình nghĩ, tưởng tượng và mong muốn. Vì vậy, chỉ có cách là chúng ta cùng hoàn thiện và thay đổi.

Mỗi khi tôi nhận câu hỏi suy nghĩ về ý kiến trái chiều, tôi không biết cách trả lời nào khác hơn ngoài câu: "Tôi xin lỗi và tôi sẽ cố gắng hơn".

NSND Lê Khanh: "Tôi hèn lắm" - Ảnh 11.
NSND Lê Khanh: "Tôi hèn lắm" - Ảnh 12.

Sau một thời gian vắng bóng, chị trở lại với một số tác phẩm điện ảnh và truyền hình. Theo chị, trong nghệ thuật có khái niệm "hồi xuân" không?

- Tôi cảm thấy vô cùng may mắn vì trong lộ trình hoạt động nghệ thuật từ năm 7 tuổi đến giờ, tôi chưa có lúc nào ngơi nghỉ. Có lúc tôi làm sân khấu, khi làm điện ảnh, âm nhạc, đào tạo. Cũng có khi tôi dành thời gian cho gia đình vì đó cũng là một tác phẩm tuyệt đẹp mà mình phải sáng tạo mỗi ngày.

Với tôi, hoạt động nghệ thuật lúc nào cũng xuân và luôn ở điểm khởi đầu. Mỗi khi tham gia dự án mới, tôi đều hồi hộp. Người nghệ sĩ luôn có khát khao và đam mê làm tốt hơn như thế.

Đâu là vai diễn chị cảm thấy mạo hiểm trong sự nghiệp của mình?

Với tôi, vai thú vị nhất là vai ở ngày mai. Khán giả có thể không biết nhưng tôi từng thiếu tự tin khi đối diện với tác phẩm của mình. Năm tôi đóng phim Người Hà Nội, tôi sợ tới mức không dám xem. Một năm sau, khi mọi người khen tôi mới dám xem lại. Tôi hèn lắm.

Tôi hèn bởi tôi kỳ vọng rất nhiều ở vai diễn nhưng có điều khiến mình không yên tâm. Điện ảnh thì không thể sửa chữa. Hiện tại cũng như vậy, vai diễn trong Fanti cũng không thể thay đổi, tôi chỉ biết cố gắng hết sức.

NSND Lê Khanh: "Tôi hèn lắm" - Ảnh 14.

"Tôi chưa bao giờ biết làm màu và cảm thấy xấu hổ khi nói về mình. Thời của tôi, không có khái niệm về ngôi sao", NSND Lê Khanh nói.

Tôi hỏi các con có theo nghề bố mẹ không, câu trả lời là: "Không bao giờ"

Chị từng chia sẻ: "Nếu không có nhân vật, tôi chỉ là một Lê Khanh nhạt nhòa". Chị có quá khiêm tốn khi nhận xét về mình?

- Chính xác, cuộc đời tôi nhạt nhòa đúng nghĩa, không có gì bùng nổ. Mọi người nhớ đến Lê Khanh chỉ là những nhân vật thôi.

Nói thật, gần đây vì lý do tuổi tác, tôi mới trang điểm khi ra đường. Nhiều năm, tôi không trang điểm và mặc giản dị nhất có thể để hòa vào đời sống thường nhật, không bị phát hiện. Hơn nữa, cả đời tôi hóa trang cho nhân vật nên chỉ muốn được thoải mái, tự do.

Tôi chưa bao giờ biết làm màu và cảm thấy xấu hổ khi nói về mình. Thời của tôi, không có khái niệm về ngôi sao. Sự sinh tồn quan trọng hơn tất cả. Nghệ thuật mang tính biểu tượng và cống hiến. Cho đến ngày hôm nay, tôi không điệu được lâu. Bản thân tôi chỉ là một con ong chăm chỉ, vô tư làm nghề.

Có bao giờ chị buồn vì truyền thống hoạt động nghệ thuật của gia đình đã đứt đoạn?

- Tôi có buồn nhưng tôi tôn trọng quyết định, sự chọn lựa của các con. Tôi kỳ vọng, mơ ước khi truyền thông nhắc đến gia đình có 5, 6, 7 thế hệ theo nghệ thuật. Tôi từng hỏi các con có theo nghề của bố mẹ không và các con trả lời: "Không bao giờ".

Chị sẽ đóng phim tới khi nào?

Đến năm 80 tuổi, mẹ tôi mới chính thức nghỉ đóng phim. Khi đó, bà không nhớ và không thể học thuộc thoại được nữa. Tôi cố gắng bằng tuổi của mẹ. Đôi khi còn phụ thuộc vào trí nhớ và sức khỏe.

Với tôi, sự nghiệp cũng là gia đình thứ hai. Cả hai đều là sự sống của tôi. Nghệ thuật giống như khí trời, còn gia đình là động lực thiêng liêng để tôi làm tốt công việc của mình.

Không có nhận xét nào